Trữ quân ở Đông Á Trữ_quân

Tên gọi khác

Do thường là con trai của vị vua đang trị vì, nên chức Trữ quân hay gọi là Thái tử (đối với Hoàng đế) và Thế tử (đối với Vương). Tuy nhiên, người kế vị không nhất thiết lúc nào cũng là con trai của vị vua đang trị vì, mà có thể là chú bác hoặc cháu nội, do đó còn có nhiều cách gọi khác, ví dụ:

  • Chú của Hoàng đế/Vương được chọn làm người nối ngôi thì gọi là Hoàng thái thúc (皇太叔)/ Vương thế thúc (王世叔).
  • Em của Hoàng đế/Vương được chọn làm người nối ngôi thì gọi là Hoàng thái đệ (皇太弟)/ Vương thế đệ (王世弟).
  • Cháu nội Hoàng đế/Vương được chọn làm người nối ngôi thì gọi là Hoàng thái tôn (皇太孫)/ Vương thế tôn (王世孫).

Những cách gọi như thế nào cũng còn tùy chế độ cụ thể chứ không hoàn toàn bị bó buộc chỉ mấy trường hợp. Thông thường, vị trí kế vị của một Hoàng đế được gọi chung là các Hoàng trữ (皇儲), của Quốc vương gọi là Vương trữ (王儲). Tuy vậy, họ cũng có thể được gọi là Hoàng tự (皇嗣) hay Vương tự (王嗣), trong đó ["Tự"] có nghĩa là "kế thừa". Hiện tại, hoàng gia Nhật Bản công bố Thu Tiểu cung Văn Nhân Thân vương là Trữ quân cho anh trai mình là Thiên hoàng Naruhito, ông không được gọi là ["Hoàng thái đệ"], mà được gọi với tôn xưng trung lập là [Hoàng tự điện hạ; 皇嗣殿下; こうしでんかKoshidenka].

Trường hợp truyền thống, con gái không có quyền thừa kế nên không có cách gọi nào tương đương. Đến thời Đường Trung Tông, An Lạc công chúa vận động cha mình để ngồi lên vị trí Trữ quân, còn tự gọi là Hoàng thái nữ (皇太女). Sau cùng ý kiến này bị bãi bỏ, và danh xưng ["Hoàng thái nữ"] này không bao giờ còn tồn tại nữa[2]. Tại Việt Nam cuối thời nhà Lý, khi chỉ định Chiêu Thánh công chúa kế vị, Lý Huệ Tông chọn danh xưng là Hoàng thái tử (ám chỉ Trữ quân) chứ cũng không dùng danh xưng Hoàng thái nữ. Nguyên văn trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: ["Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho"; 冬十月詔昭聖公主爲皇太子以傳位].

Quy định lập Trữ quân

Các quốc gia khối Đông Á như Nhật Bản, Triều TiênViệt Nam đều chịu quan niệm lập Trữ quân tương tự Trung Quốc, đó là ưu tiên chọn con trai trưởng. Con gái về luật pháp không có quyền thừa kế ngai vị, tuy không ít các trường hợp ở cả ba quốc gia này có xuất hiện Nữ hoàng hoặc Nữ vương, song phần nhiều là trường hợp cá biệt cụ thể, hơn là một hệ thống thừa kế cố định.

Trung Quốc cổ đại xã hội kế tục chế độ là ["Đích trưởng tử kế thừa chế"; 嫡長子繼承製], tức là con trai lớn nhất của vợ cả (Hoàng hậu, Vương hậu, Vương phi) được ưu tiên lập làm Trữ quân. Tuy nhiên, đây dần trở thành thông lệ hơn là luật pháp, vì đôi khi vị trí Trữ quân cũng được chọn không phải cho con trai con vợ cả, mà tùy vào ý niệm của quân chủ quốc gia đó. Quy tắc "Đích trưởng tử kế thừa chế" xác nhận người thừa kế nguyên tắc cơ bản là: [Lập đích lập trưởng; 立嫡立長]. Trong trường hợp này, con vợ cả ("Đích xuất"; 嫡出) là được ưu tiên nhất, hơn nữa phải là con trưởng (Đích trưởng tử). Nếu không có con do vợ cả sinh ra, thì mới xét "người con trai lớn nhất" trong nhà, tức là các con vợ lẽ ("Thứ xuất"; 庶出). Trong lịch sử Đông Á không thiếu việc Trữ quân lại là Thứ xuất.

Thân phận người mẹ có quyết định quan trọng trong trường hợp này. Như Hán Vũ Đế Lưu Triệt từng là con vợ lẽ, khi sinh mẫu ông Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu lúc đó chỉ là hầu thiếp của Hán Cảnh Đế. Tuy nhiên sau khi Vương thị được lập Hoàng hậu, Lưu Triệt trở thành "Đích tưởng tử", danh chính ngôn thuận được lập làm Hoàng thái tử dù vị trí của ông còn tới mấy người anh trai khác. Đường Mục Tông vốn là con thứ ba của Đường Hiến Tông, sinh mẫu ông Quách Quý phi tuy là nguyên phối, song không được lập làm Hoàng hậu, do vậy ông không có thân phận Đích trưởng tử, mà anh ông là Lý Ninh được chọn làm Thái tử. Sau khi Lý Ninh qua đời, Đường Mục Tông mới được chọn làm Thái tử. Ngoại trừ "Lập đích lập trưởng", còn có [Lập tử dĩ Hiền; 立子以賢], tức là vị quân chủ sẽ nhìn trong những đứa con của mình, ai có đủ đức hạnh thì sẽ lập làm Trữ quân. Việc dùng hình thức này khiến nguy cơ tranh đấu giữa các người con trai trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, nên thường được xem là hạ sách.

Theo Hoàng Minh tổ huấn (皇明祖訓) thời nhà Minh quy định:"Phàm triều đình không có Hoàng tử, thì các anh em của Hoàng đế kế thừa. Cần lập người có thân phận con vợ cả. Nếu không có con vợ cả, thì lấy con cả của con vợ lẽ". Quy định nhà Minh gắt gao như vậy, phần nhiều Trữ quân phải có thân phận con vợ cả mới được ưu tiên lập, tuy triều đại này từng có Quốc Bổn chi tranh (國本之爭) rất căng thẳng thời Minh Thần Tông Vạn Lịch Đế, nhưng nhìn chung nhà Minh chấp hành rất nghiêm túc tổ huấn này.

Triều đại nhà Thanh, sau thời Thanh Thế Tông Ung Chính Đế, đã chấp hành một thể lệ gọi là [Bí mật kiến Trữ chế; 秘密建儲制]: Hoàng đế sẽ đem người được chọn làm Hoàng thái tử viết vào di chiếu, để sau bức biển ["Chính Đại Quang Minh"; 正大光明] trong Cung Càn Thanh. Khi Hoàng đế qua đời, các Cố mệnh Đại thần sẽ lấy di chiếu ra công bố thiên hạ. Tuy nhiên, Càn Long Đế vào năm thứ 60, đã công bố trước thiên hạ chọn Vĩnh Diễm làm Hoàng thái tử, thoái vị trở thành Thái thượng hoàng. Do đó Vĩnh Diễm đã có mấy tháng dùng thân phận Hoàng thái tử điều hành triều đình.

Thực tế không chỉ ở triều Thanh, việc "Bí mật chọn người thừa kế" xảy ra khá thường xuyên bởi nhiều nguyên nhân, phần lớn đều quan niệm kế thừa là trọng đại, chỉ khi lâm chung mới nên chọn ai trong số những người Hoàng tử là có khả năng nhất sau một thời gian dài cân nhắc. Chính điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề đấu tranh chính trị, khi Hoàng đế băng hà xảy ra ở rất nhiều triều đại Đông Á, điển hình là nghi vấn giả di chiếu của Ung Chính Đế. Tại Việt Nam, triều đại sớm nhất có vấn đề này là nhà Lý, trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng trích lời Lê Văn Hưu nói về vấn đề này:["Nhà Lý phong cho các con mẹ đích đều làm Vương, các con mẹ thứ đều làm Hoàng tử mà không đặt ngôi Hoàng thái tử. Đến khi nào vua ốm nặng mới chọn một người trong các con cho vào để nối nghiệp lớn. Truyền dần thành tục, không biết là ý thế nào"].

Lập con hay lập cháu

Khi người thừa kế sáng giá nhất qua đời, ở hầu hết nền quân chủ Đông Á đều xảy ra vấn đề kế tự và thường có tranh cãi. Hai nền quân chủ Trung Quốc và Việt Nam đều có xảy ra tình trạng không tuân theo quy tắc nhất định. Ví dụ từ thời nhà Hán, đã hình thành con nối ngôi cha gắt gao, là vì muốn lập nên trật tự vĩnh cữu, tránh sự xáo trộn như Tống Tuyên công nhường cho em trai là Tống Mục công lên ngôi, gây ra loạn 5 đời về sau của nước Tống.

Suốt chiều dài nền quân chủ Trung Quốc, quy tắc "con kế thừa cha" nhìn chung đều nghiêm ngặt, đây cũng là bởi vì các Thái tử qua đời sớm mà không có hậu duệ, hoặc là bị tội (như nhà Đườngnhà Tống). Sang thời nhà Minh, quy tắc Đích trưởng tử đẩy mạnh hơn cả, nên có trường hợp Minh Huệ Đế kế thừa ông nội Minh Thái Tổ, trước khi bị chú là Minh Thành Tổ cướp ngôi, và quy tắc của nhà Minh có ảnh hưởng đến nhà Thanh. Ở Việt Nam, quy tắc "con kế thừa cha" nhìn chung vẫn khuôn phép như của nền quân chủ Trung Quốc, chỉ có trường hợp điển hình và nổi tiếng là ở thời nhà Nguyễn, khi Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời, và dù Thái tử có hậu duệ cũng như triều đình suy xét lập Nguyễn Phúc Mỹ Đường (khi ấy gọi là Hoàng tôn Đán) kế tự vị trí Trữ quân, song Vua Gia Long lại chọn em của Thái tử Cảnh là Hoàng tử Đảm.

Triều Tiên, vấn đề "con trưởng" và "con kế vị cha" gắn bó chặt chẽ. Ví dụ như trường hợp con trai của Triều Tiên Thế TổÝ Kính Thế tử qua đời sớm, và dù Thế tử đã có 2 con trai, Thế Tổ vẫn chọn con thứ là Hải Dương Đại quân trở thành Thế tử, sau đó đăng cơ. Về sau, tuy con trai Tư Điệu Thế tửLý Toán được ông nội là Anh Tổ chọn làm Trữ quân, là trường hợp "cháu kế thừa ông", nhưng đó là vì Anh Tổ không còn người con trai nào khác, nên thứ tự mới truyền xuống người cháu Đích tôn (cháu trai do chính thất của Thế tử sinh ra). Bên cạnh đó, Lý Toán kế thừa vị trí của Anh Tổ lại lấy tư cách là con của người con cả đã mất trước đó của Anh Tổ, Hiếu Chương Thế tử (sau được truy là Chân Tông), mà không lấy tư cách con của cha ruột Tư Điệu Thế tử, đây là quy tắc "con trưởng" rất gắt của xã hội Triều Tiên.

Còn tại Nhật Bản, nền quân chủ mấy nghìn năm này tuy có thời gian bị khống chế bởi người họ FujiwaraMạc phủ, song cơ bản vẫn tôn trọng quy tắc cha truyền cho con nếu có thể cho gia đình Thiên hoàng. Những trường hợp khác biệt đều vì những lý do chính trị đặc thù. Vai vế của Thiên hoàng với người thừa kế, theo nhiều trường hợp cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ví vụ sự việc Thiên hoàng Sutoku bị Thiên hoàng Toba bức ép thoái vị, để con trai sủng phi của Toba là Thân vương Narihito lên ngôi. Dù trước đó Thiên hoàng Sutoku đã đem Narihito vào cung và gọi là [Dưỡng tử; 養子], phong làm Hoàng thái tử thừa kế của mình. Nhưng trong chiếu thư thoái vị (được soạn bởi Thiên hoàng Toba) lại tuyên bố Narihito là Hoàng thái đệ, tức lấy danh nghĩa là em trai của Thiên hoàng Sutoku lên ngôi. Tuy chỉ là vấn đề xưng hô, nhưng điều này đã dẫn đến việc Thiên hoàng Sutoku hoàn toàn không có chính danh để tiến hành ảnh hưởng lên Tân Thiên hoàng, và Thiên hoàng Toba vẫn nắm giữ đại quyền.

Lập Tự kế thừa

Vua Đồng Khánh - một "dòng bên thờ tự" điển hình ở Việt Nam. Ông lên ngôi với tư cách là con của Vua Tự Đức.

Đây là một vấn đề liên quan đến pháp độ và "vai vế kế thừa" xảy ra khá thường xuyên và rất đặc thù ở các nền quân chủ Đông Á, không bao giờ xảy ra ở Châu Âu. Trường hợp này là khi Hoàng đế không có con thừa kế, thì đã bước vào giai đoạn phải chọn hậu duệ của nhánh hoàng tộc khác làm con, để nối vị và mang danh nghĩa nối tiếp dòng chính thống đang cai trị, đấy gọi là biện pháp [Thừa tự; 承嗣]. Với hình thức này, người tông thất được chọn trên thực tế phải mang danh nghĩa ["Là con của Hoàng đế tiền nhiệm, hoặc Hoàng đế tiền nhiệm trước đó"] thì mới có danh phận kế thừa, tương tự kiểu nhận con nuôi, cha mẹ tranh pháp lý mới khiến cho con nuôi có quyền thừa kế. Chính điều này dĩ nhiên sẽ hạn chế Hoàng đế kế tự ấy truy phong vị hiệu cho cha mẹ ruột của mình.

Thời Tây Hán, Xương Ấp vương Lưu Hạ cùng Hán Tuyên Đế Lưu Tuân là những trường hợp đầu tiên như vậy, cả hai đều là thừa tự của Hán Chiêu Đế. Song do Hán Tuyên Đế là cháu nội của Lệ Thái tử Lưu Cứ, nên việc truy phong có diễn ra đặc biệt hơn, cha ruột của ông là Lưu Tiến đã có thể được tôn làm ["Hoàng khảo"; 皇考], mẹ là Vương Ông Tu có thể làm ["Hậu"; 后], điều này là tiền lệ cho các Hoàng đế kế tự thời Đông Hán như Hán An Đế đã có thể truy tôn cho cha và mẹ ruột. Thời nhà Tống, quy tắc gắt gao, các Hoàng đế dòng bên không thể thậm chí truy phong cha ruột làm "Hoàng" như thời Hán. Sang đến thời nhà Minh, có Đại lễ nghị chính là thảo luận dâng tôn thế nào thời Minh Thế Tông, đối với cha mẹ ruột của ông là Chu Hữu NguyênTừ Hiếu Hiến hoàng hậu. Sang thời nhà Thanh, 2 vị Hoàng đế Quang TựTuyên Thống đều là con thừa kế từ dòng bên nhập qua, Quang Tự Đế lấy danh nghĩa là con của Hàm Phong, còn Tuyên Thống là của cả Đồng Trị lẫn Quang Tự. Cha ruột của hai người, Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn cùng Thuần Thân vương Tái Phong, đều chỉ có thể tiếp tục cúi đầu xưng thần, không có gì ưu đãi trừ việc ai cũng biết họ là cha ruột của Hoàng đế.

Nền quân chủ ở Việt Nam cũng đều có những trường hợp tương tự. Có nhà Lý thời Lý Nhân Tôngnhà Nguyễn thời Vua Tự Đức là điển hình nhất. Lý Nhân Tông đã chọn cháu gọi bằng bác là Lý Dương Hoán, nhận làm con và nối ngôi, tức Lý Thần Tông. Còn Vua Tự Đức đã nhận tới 3 người từ dòng bên, và cả 3 đều từng làm Hoàng đế, ấy là Vua Dục Đức, Vua Kiến PhúcVua Đồng Khánh. Cá biệt có trường hợp Dương Nhật Lễ thời Trần Dụ Tông.

Vì đã được Hoàng đế ["nhận làm con và cho kế thừa"], toàn bộ những người ở trên xét theo pháp lý đều không còn là con của cha mẹ ruột nữa, mà phải gọi cha mẹ ruột theo vai vế với tư cách là con của Hoàng đế. Lấy ví dụ Dương Nhật Lễ, ông là con của anh Dụ Tông là Trần Nguyên Dục, khi nhận chỉ lên ngôi, phải gọi Nguyên Dục là ["Hoàng thái bá"] vì Nguyên Dục là anh của cha ông, tức Dụ Tông. Chính những quy tắc phức tạp, phải có tôn ti trong việc tấn tôn vị hiệu này mà sử gia Lê Văn Hưu đã chỉ trích việc Lý Thần Tông tôn cha đẻ Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng. Khi ấy, Lý Thần Tông đã được Lý Nhân Tông chọn làm con thừa tự, phong làm Thái tử để kế vị, thì Thần Tông chỉ nên công nhận Nhân Tông mà thôi, nếu Thần Tông lại tôn cha ruột Sùng Hiền hầu thêm nữa thì "hóa ra là hai gốc ư?".

Nguyên văn nhận xét của Lê Văn Hưu:

Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm Hoàng thúc[3], phong mẹ đẻ là Đỗ thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy vương và Phu nhân Trương thị, để tõ ra một gốc mới phải.

Nay lại phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, chả hoá ra hai gốc ư?

— Đại Việt sử ký toàn thư - "Lý Thần Tông hoàng đế bản kỷ"[4]